Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) Giáo_hoàng_Piô_XII

Trọn vẹn thời gian đầu triều đại Giáo hoàng của ông bị chi phối bởi vấn đề Chiến tranh thế giới thứ hai và những cuộc can thiệp cá nhân của ông cho vấn đề hòa bình. Ông đã thảo ra thông tri, tố cáo tư tưởng Đức Quốc xã là phản Thiên chúa giáo và từng cố gắng ngăn chặn Chiến tranh thế giới thứ hai. Về sau, ông bị chỉ trích là dựa quá nhiều vào những phương cách ngoại giao truyền thống, khi phải đương đầu với Đức Quốc xã.

Ngăn cản chiến tranh

Ngoại giao Vatican đã tìm cách can thiệp để ngăn chặn chiến tranh nhưng không thành công. Sau hiệp ước Ribbentrop Molotov, Vatican muốn giữ nước Ý ở ngoài cuộc xung đột.

Trong thông điệp đầu tiên của ông, Summi Pontificatus (20/10/1939) ông tố giác mối dây chằng chịt của chiến tranh. Cuối năm 1939, Giáo hoàng Piô XII đi thăm cả vua Victor Emmanuel trong cư xá Quirinal, cư xá Giáo hoàng xưa.

Vào đầu chiến tranh, các cường quốc phe phát xít đã thử dựng cờ thập tự chinh chống Liên Bang Xô Viết để hợp thức hóa hành động của họ. Đức ông Tardini trả lời rằng: "chữ thập ngoặc không phải là thập tự của thập tự chinh".

Tháng 9 năm 1944, theo yêu cầu của Myron Taylor - đại diện của tổng thống Hoa Kỳ tại Vatican - ông đã trấn an những người công giáo Hoa Kỳ đang lo lắng về sự liên minh của nước họ với Liên Xô.

Vấn đề tiêu diệt người Do Thái

Một vấn đề tế nhị trong thế chiến là việc tiêu diệt người Do Thái. Lập trường của Giáo hoàng Piô XII được thể hiện trong một vài văn bản trong đó ông ám chỉ đến sự diệt chủng. Về sau, những văn bản này bị phê bình là không rõ rệt lắm.

Sứ điệp truyền thanh, nhân dịp Giáng sinh 24 tháng 12 năm 1942, Giáo hoàng kêu gọi nhân loại quan tâm đến "hàng trăm ngàn người chỉ vì lý do chủng tộc đang bị tiêu diệt dần": " (...) Khát vọng (lập lại hòa bình), nhân loại phải có đối với hàng trăm triệu người, không vì một lỗi lầm nào của họ, nhưng chỉ vì lý do quốc tịch hoặc do nguồn gốc chủng tộc, đã bị dẫn đến cái chết hoặc sự diệt chủng dần dần".

Trong thư gởi Giám mục Von Preysing, Giám mục Berlin, ngày 30 tháng 4 năm 1943 ông mong mỏi các Giám mục tại mỗi nước can thiệp nhưng căn dặn các vị thận trọng "vì có nguy cơ kéo theo những cuộc trả thù":

Ta mong các vị chủ chăn trong quyền hạn tại chỗ, suy xét nhận định rõ ràng, lúc nào và bằng biện pháp nào, phải dùng đến điều dự trữ cho lúc cần thiết (mặc dầu có nhiều lý do lẽ ra phải can thiệp), để tránh xảy ra những tai họa lớn hơn, vì biết rằng những tuyên cáo của Giám mục có nguy cơ kéo theo những cuộc trả thù và áp bức, cũng cần xét đến những hoàn cảnh khác có thể phát sinh do cuộc chiến kéo dài và cũng vì tâm lý của cuộc chiến. Đó cũng là một trong những động cơ khiến chính ta, ta cũng giới hạn trong những tuyên bố của ta.

— Giáo hoàng Piô XII

Thái độ trung lập

Giáo hoàng Piô XII quyết định duy trì giáo hội ở ngoài cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Tiếp theo lời thỉnh cầu của các Giám mục Ba Lan miêu tả sự tàn bạo của Đức Quốc xã, ông trả lời qua tiếng nói của đức ông Tardini: "Trước tiên, việc Tòa thánh công khai lên án và phản kháng những bất công như thế trông có vẻ không thích hợp. Không phải vì thiếu chất liệu, nhưng những lý do thực tiễn hình như buộc phải tránh". Đức ông Tardini nói thêm rằng sự lên án chính thức của Vatican "càng làm tăng thêm những bách hại".

Giáo hoàng đã đích thân xác định điều này:

Ta để cho các mục tử đang thi hành chức vụ tại chỗ lo đánh giá xem có phải trong một chừng mực nào sự nguy hiểm của những điều trả thù và những áp lực, cũng như các tình huống khác do sự kéo dài và tâm lý của chiến tranh, khuyên nên dè dặt – mặc dù có những lý do để can thiệp vào – để tránh những điều xấu hơn. Đó là một trong những lý do mà vì đó ta đã áp đặt cho mình những giới hạn trong các tuyên bố của ta.

— Giáo hoàng Piô XII

Ngỏ lời cùng Hồng y đoàn (Sacré-Collège), ngày 2 tháng 6 năm 1943, ông bày tỏ quan điểm phải bênh vực, trợ giúp những người bị đau khổ vì lý do chủng tộc, nhưng cũng tâm sự

Tôi phải cân nhắc từng lời... kẻo tình trạng họ lại bi đát hơn: "(...) Trái tim của ta đáp lại bằng mối âu lo ân cần và xúc động trước những lời cầu xin của những người hướng về ta bằng cái nhìn khẩn khoản âu lo, bị dày vò đau đớn vì lý do quốc tịch hay chủng tộc của họ, bởi những bất hạnh lớn lao hơn, vì những biện pháp diệt chủng, dù họ không có lỗi lầm gì. Chư huynh không nên đợi ta trình bày dù là một phần trong tất cả những gì mà ta đã cố gắng và thử hoàn thành, để làm giảm bớt những thống khổ của họ, để xoa dịu tình trạng đạo đức và pháp lý của họ, để bảo vệ quyền lợi tôn giáo không thể chối bỏ của họ, để trợ giúp cho sự thiếu thốn và những gì cần thiết cho họ. Tất cả những lời của ta, nhân dịp này ngỏ ý cùng với các thẩm quyền, tất cả những ám chỉ công khai của ta, phải được cân nhắc thận trọng và đo lường kỹ, nhằm có lợi cho những ai đau khổ, để không làm cho tình trạng của họ, điều ta không muốn, bị trầm trọng thêm và bị thống khổ hơn.

— Giáo hoàng Piô XII

Tuy không chấp nhận chủ trương của Hitler, nhưng Giáo hoàng tin tưởng vào đường lối ngoại giao hơn là những lời tuyên bố long trọng. Mặt khác vì Vatican nằm ở giữa khối Trục (nước Ðức - Ý). Trên thực tế, ông hết sức chống đối chủ nghĩa cộng sảnchủ nghĩa phát xít của Đức Quốc xã, dù rằng ông đặc biệt yêu quý dân tộc và văn hóa Ðức.

Thực hiện cứu trợ

Giáo hoàng Piô XII đã dùng bất cứ phương tiện nào có thể để cứu giúp và che chở người Do Thái và những người bị bách hại. Ông Pinchas Lapide, một học giả Do Thái và cựu lãnh sự Do Thái ở Ý, đã tuyên dương công trạng của đức giáo hoàng và Giáo hội Công giáo trong việc cứu vớt khoảng bốn trăm ngàn người Do Thái khỏi bị tiêu diệt. Trong cuốn The Last Three Popes and The Jews (Ba Giáo hoàng Sau Cùng và Người Do Thái), ông Lapide viết:

Chính nhờ Pius XII mà Moussolini chậm tham chiến. Ông đã thiết lập một văn phòng thông tin và trao đồi tù nhân dưới quyền Giám mục Montini, đã cứu trợ được khoảng 5.000 người Do Thái trú ẩn tại các thánh đường hoặc tu viện và cứu Roma khỏi những cuộc oanh tạc tàn phá vào cuối thế chiến.

— Lapide

Trong cuộc chiến, Giáo hội Công giáo đã cứu vớt sinh mạng của người Do Thái nhiều hơn tổng số các giáo hội, các tổ chức tôn giáo và các cơ quan cứu nguy khác. Thật ngạc nhiên, con số kỷ lục ấy quá tương phản với các thành quả của tổ chức Hồng Thập Tự và các quốc gia dân chủ phương Tây. Tòa Thánh, các sứ quán và toàn thể Giáo hội Công giáo đã cứu vớt khoảng 400,000 người Do Thái khỏi bị tiêu diệt.

Bà Golda Meir cũng tỏ ra bênh vực Giáo hoàng Piô XII, khi bà phát biểu ở diễn đàn của ONU:

Khi dân tộc chúng tôi ở trong sự đau khổ và bóng tối, thì tiếng nói của giáo hoàng đã cất cao lên về phía chúng tôi, không có gì phải trách đức Pius XII.

Một người Ba Lan đã được thoát chết nhờ sự hy sinh cao cả của một linh mục dòng Phanxicô, Thánh Maximilian Kolbe, là người đã tình nguyện chết thay cho ông trong hầm bỏ đói. Heinrich Himmler, người đứng đầu cơ quan mật vụ Ðức Quốc xã, đã viết một lá thư cho cấp dưới, trong thư ông viết:

Chúng ta đừng quên rằng, về lâu dài, giáo hoàng ở Rôma là kẻ thù vĩ đại của chủ nghĩa Xã Hội Quốc gia (Ðức Quốc xã) hơn cả Churchill và Roosevelt.

— Heinrich Himmler

Giáo hoàng Piô XII có lên tiếng chống đối chủ nghĩa quốc xã vào lúc ấy. Sau thông điệp Giáng Sinh năm 1942, một lãnh tụ Ðức Quốc xã nhận định về lời của ông:

Hắn nói Thiên Chúa coi mọi dân tộc và mọi chủng tộc có giá trị ngang nhau. Như vậy, hiển nhiên hắn lên tiếng thay cho bọn Do Thái. Hầu như hắn lên án người Ðức về sự bất công đối với bọn Do Thái, và tự cho mình là phát ngôn viên của tội phạm chiến tranh Do Thái.

Vatican đã là nơi trú ẩn cho nhiều người bị bách hại về chính trị hoặc chủng tộc. Giáo hoàng đã làm cho Ái Nhĩ Lan không còn đồng minh với Đức nữa, khuyến khích Tây Ban Nha cứu vớt những người Do Thái vùng Balkan gốc Tây Ban Nha (hay những sephardim). Sau chiến tranh, Giáo hoàng Piô XII còn lo đến việc trao đổi tù binh, tìm kiếm những người thất lạc. (Vatican đã trả lời gần 11 triệu bức thư), tổ chức những cơ quan từ thiện tại nhiều nước nhằm xoa dịu vết thương, hàn gắn đổ vỡ, đặc biệt quan tâm đến phong trào di dân cũng như tai họa thiên nhiên xảy ra ở nhiều nước.

Ông phản đối việc kết tội chiến tranh cho tập thể dân tộc Đức, nơi mà ông đã gửi đến một vị khâm sai và sau đó được nâng lên sứ thần, nhằm giúp nước Đức tái thiết xứ sở và nền độc lập. Để giữ thái độ hoàn toàn không thiên vị, ông đứng ngoài tổ chức Liên Hợp Quốc, nhưng cử nhiều đại diện tại nhiều tổ chức không có mục tiêu chính trị, và gửi quan sát viên tới nhiều hội nghị Âu châu. Trong các diễn văn nhân dịp lễ Giáng sinh và Phục sinh, ông luôn kêu gọi mọi người có thiện chí và cả thế giới Công giáo, tìm cách nối liên lạc và gây thân thiện giữa các quốc gia.